The Big Short, chuyển thể điện ảnh cuốn sách của Michael Lewis về một đám người lạc lõng với hoàn cảnh cách đây một thập niên đã thấy trước bong bóng bất động sản và thế chấp nên kiếm lợi hậu hĩ từ việc bong bóng đó vỡ tan. Đây là một lời giải thích mạnh mẽ nhất về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trên phim.
Phim được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên viết bởi Michael Lewis. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng khác cũng được đựng phim như Moneyball: The Art of Winning an Unfair Game do Brad Pitt đóng vai chính hay The Blind Side: Evolution of a Game với sự góp mặt của nữ minh tinh Sandra Bullock.
‘The Big Short’ - Bởi thương trường chính là chiến trường
Bộ phim hài đen của Hollywood kể lại cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 trong lòng nước Mỹ và câu chuyện kỳ lạ về những kẻ “ngược dòng” giữa biết bao rối ren ấy.
Từ một trong hai sự kiện ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Mỹ thế kỷ XXI
Cho đến nay, hai sự kiện được coi là quan trọng nhất đối với xã hội nước Mỹ trong thế kỷ XXI là vụ khủng bố 11/9/2001 và cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2008.
Nếu như vụ khủng bố 11/9 và hệ lụy trực tiếp của nó là cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan và Iraq đã trở thành đề tài quen thuộc của Hollywood trong hơn một thập kỷ qua, thì diễn biến cuộc khủng hoảng tài chính, cũng như những hậu quả của nó đối với đời sống kinh tế và xã hội nước Mỹ lại ít được giới làm phim quan tâm.
Chưa có nhiều bộ phim kể lại diễn biến và hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 của nước Mỹ. The Big Short (2015) là một tác phẩm hiếm hoi đề cập đến câu chuyện ấy, theo phong cách hài hước nhưng đầy cay đắng.
Ngoại trừ dòng phim tài liệu với các tác phẩm khai thác trực tiếp đề tài ấy như Capitalism: A Love Story (2009) của Michael Moore hay Inside Job (2010) của Charles H. Ferguson, bây giờ mới có tác phẩm điện ảnh gần như là duy nhất kể lại những sự kiện trong giai đoạn 2007-2008 là Margin Call (2011) của đạo diễn J.C. Chandor. Có lẽ những số liệu và thuật ngữ tài chính khô khan, rắc rối, cùng hậu quả vô hình khó cảm nhận của cuộc khủng hoảng đã làm khó giới làm phim trong việc tạo ra các tác phẩm vừa mô tả được thực tế, vừa lôi kéo được khán giả.
Margin Call chính là bằng chứng cụ thể nhất cho những khó khăn đó, khi mà dàn diễn viên danh tiếng bao gồm Kevin Spacey, Paul Bettany, Stanley Tucci, cộng với phần kịch bản rất chắc tay, cũng không thể giúp bộ phim thực sự trở nên ăn khách hoặc gây ra tiếng vang về mặt nghệ thuật nếu so với những tác phẩm điện ảnh cùng năm có đề tài “mềm” hơn như Hugo của Martin Scorsese hay The Artist của Michel Hazanavicius.
Nhưng với The Big Short năm 2015 của đạo diễn Adam McKay, tác phẩm chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà báo tài chính Michael Lewis, Hollywood rốt cuộc đã tìm ra công thức thành công cho đề tài khó nhằn ấy.
Câu chuyện kỳ lạ về những kẻ “ngược dòng”
Bối cảnh của The Big Short là nước Mỹ trong những năm đầu thiên niên kỷ mới, khi nền kinh tế ổn định cùng chính sách nới lỏng tiền tệ đã giúp giới tín dụng phất lên nhanh chóng, đặc biệt là thông qua việc kinh doanh, môi giới địa ốc.
Năm 2005, trong bối cảnh thị trường tài chính và bất động sản phủ đầy màu hồng ấy, Michael Burry (Christian Bale) - một bác sĩ chuyển nghề quản lý quỹ đầu tư lại làm tất cả khách hàng của anh ta sửng sốt khi đưa ra tiên đoán rằng bong bóng địa ốc sẽ vỡ tan chỉ trong vòng hai năm, bởi vậy quỹ đầu tư Scion của anh cần đi ngược lại chiều hướng của thị trường để đặt cược vào các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng CDS (“Credit Default Swap”).