Đúng như tên gọi (CHAM), bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Đức Minh đưa người xem “chạm” tới những cảm xúc ngọt ngào nhất, đắng cay nhất và cả man dại, trần trụi nhất trong mỗi con người.
Nghề làm móng (nails) vốn là công việc rất phổ biến của đa số phụ nữ Việt sống tại nước ngoài. Touch dẫn dắt người xem bước vào câu chuyện bằng không khí nhộn nhịp tại một cửa hàng nail của người Việt sống ở Mỹ có cái tên rất “kêu” - V.I.P. Tại đây, bà chủ Bích thích buôn chuyện ngày ngày cùng ba nhân viên Hồng, Quyên và Linh tiếp bao lượt khách tới làm móng. Những câu chuyện của họ với bao chủ đề, từ gia đình, bạn bè, sở thích, đam mê và cả chuyện tình dục dường như không bao giờ kết thúc. Một ngày, cửa hàng của bà Bích tiếp nhận một nhân viên mới là Tâm - cô gái xinh đẹp, ít nói và sở hữu đôi bàn tay khéo léo như sinh ra để làm nails.
Đạo diễn Nguyễn Đức Minh thể hiện ý tưởng về sự va chạm trong cuộc sống thường ngày theo những cấp độ và xúc cảm khác nhau. Từ cái bắt tay, vỗ về, cái ôm, những ngón tay mềm mại mơn man, lả lướt va vào nhau cho tới sự hừng hực, mạnh mẽ, nồng nàn của xác thịt đều được thể hiện rất tinh tế, tròn và đủ cho ý nghĩa của từ “chạm” ở bộ phim này. Đó có thể là sự “chạm” rất đỗi thông thường khi chúng ta giao tiếp, gặp gỡ hàng ngày, cũng có thể là những đụng chạm tình cảm nam - nữ hay đơn giản là sự “chạm” hiện hữu một cách vô hình trong tiềm thức hay cảm xúc của mỗi con người.