Bộ phim kể về cuộc đời của Hoắc Nguyên Giáp (1868-1910), người sáng lập môn phái Tinh Võ. Ông trở thành anh hùng khi dám một mình thách đấu và đánh bại các võ sĩ Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Âu trong cuộc đọ sức diễn ra tại Thượng Hải.
“Fearless” là tiêu đề tiếng Anh của phim, được thông báo như bộ phim Kungfu cuối cùng của Lý Liên Kiệt. Không chỉ có bộ phim được đánh giá xuất sắc, vai diễn của Lý Liên Kiệt trong phim cũng là một nét mới. Anh không còn là một vị anh hùng trầm tĩnh, điềm đạm như đã thể hiện từ hơn 10 năm nay trong các phim như Cha tôi là một anh hùng hay Hero. Hoắc Nguyên Giáp mà anh đóng “người” hơn. Anh ta cười nói, say sưa chè chén, kiêu căng tự phụ hay sau đó tỏ ra ăn năn và khiêm tốn.
Hoắc Nguyên Giáp cho phép Lý Liên Kiệt giải thích về “con đường” trong võ thuật với tư cách cá nhân cũng như những tư tưởng Phật giáo mà anh là một tín đồ. Võ thuật không chỉ là sự thể hiện sức mạnh, nó còn là con đường dẫn tới sự khôn ngoan, tới hòa bình, từ bỏ thói kiêu căng hợm hĩnh, từ bỏ thói xấu ảnh hưởng tới tinh thần thượng võ. Võ thuật là một triết lý sống kết nối tư tưởng Phật giáo giữa nhân vật Hoắc Nguyên Giáp và Lý Liên Kiệt. Thông qua việc tập luyện, người ta học cách hiểu chính mình, tôn trọng chính mình cũng như đối với những người xung quanh.
Bộ phim còn có những màn trình diễn đẹp mắt của môn võ karatedo Nhật Bản (vai diễn của Shido Kamura). Trong phim, cuộc gặp gỡ giữa Hoắc Nguyên Giáp và người võ sư Nhật Bản trong buổi trà đạo đã chứng minh nét đẹp của võ thuật. Dù mỗi người đều có triết lý sống riêng cho mình, nhưng họ biết công nhận phẩm giá của đối phương. Họ tôn trọng tài năng của nhau, biết lắng nghe và học hỏi. Mặc dù mỗi người đi theo một con đường của riêng mình nhưng họ cùng vì một mục đích: hoàn thiện kỹ năng, phối hợp đồng nhất giữa cơ thể và tinh thần, hài hòa giữa con người và thế giới xung quanh.
Hoắc Nguyên Giáp được chia ra làm 3 phần tương ứng với 3 giai đoạn của cuộc đời nhân vật chính. Trong phần đầu tiên, Hoắc Nguyên Giáp là một kẻ kiêu căng hợm hĩnh, anh tham gia các trận quyết đấu chỉ vì danh tiếng. Nhưng vinh quang ấy đã dẫn anh tới sự thất bại cả về khía cạnh xã hội và tinh thần. Phần 2 là giai đoạn yên bình nhất trong cuộc đời Hoắc Nguyên Giáp sau khi phải chịu đựng những mất mát đầy đau xót. Anh trở nên điềm tĩnh, khiêm tốn và sống cùng với hai bà cháu cô gái mù nơi làng quê hiền hòa. Anh bằng lòng với những gì mình có và ăn năn khi nghĩ về quá khứ. Phần 3 thể hiện ý chí và tinh thần thượng võ của Hoắc Nguyên Giáp cũng như của tầng lớp người Trung Hoa mới trước những kẻ thống trị ngoại bang. Nó cũng là thời điểm ra đời của một môn phái võ thuật vẫn còn nổi tiếng cho tới ngày nay.
Những cuộc quyết đấu cũng gây ấn tượng mạnh hơn ngay cả đối với những người không am hiểu võ thuật. “Hoắc Nguyên Giáp” thỏa mãn những ai mê phim Kungfu vì số lượng và sự đa dạng của các trận đấu (đấu tay không cũng như với các loại vũ khí khác nhau), cảnh quay tốt và biên đạo giỏi. Khía cạnh thực tế cũng làm vừa lòng những ai vốn không thích những cảnh quay sử dụng quá mức các sợi cáp bảo hiểm. Những môn đồ của võ thuật không chỉ đánh giá cao chất lượng của các cảnh đấu võ mà còn là triết lý sống được phát triển trong bộ phim xung quanh việc tập luyện võ thuật.
Hoắc Nguyên Giáp là một bộ phim tạo được sự ngạc nhiên, đã lâu rồi người hâm mộ mới được xem Lý Liên Kiệt đóng phim võ thuật Kung fu. Anh thực sự là một diễn viên giỏi chứ không chỉ là một võ sư xuất sắc.