"Three Kingdoms" là tác phẩm điện ảnh đầu tiên làm dựa theo bộ tiểu thuyết "Tam quốc chí", chủ yếu tái hiện cuộc đời chinh chiến của vị tướng lừng danh Triệu Tử Long.
Tam quốc chí là một trong bốn tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc, kể về những năm tháng loạn lạc từ năm 190 - 280 sau công nguyên khi nhà Đông Hán sụp đổ, ba nhà Ngô - Thục - Ngụy hình thành và không ngừng tranh chấp lẫn nhau.
Từ nhiều năm qua, ngoài bộ phim truyền hình do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc sản xuất vào đầu những năm 1990, chưa nhà làm phim nào đưa thế giới rộng lớn của Tam quốc chí lên màn ảnh rộng. Ngoài chi phí sản xuất khổng lồ, tác phẩm này còn là thách thức lớn đối với các nhà làm phim vì khó lòng nói hết ý nghĩa của toàn bộ tác phẩm thông qua một sự kiện hay nhân vật nào đó.
Tam quốc chí có hàng trăm nhân vật, Triệu Tử Long được cho là một trong số những nhân vật mà La Quán Trung yêu thích nhất. Dưới ngòi bút của ông, vị tướng họ Triệu hiện lên với tất cả những đức tính tốt đẹp mà không ai thời đó sánh được. Ông là vị tướng thông minh, bình tĩnh, quả cảm và bất khả chiến bại. Hai đức tính của Triệu Tử Long được tác giả ca ngợi nhiều nhất là sự trung thành và lối sống đạo đức. Tên tuổi của Triệu Tử Long lan đến các nước châu Á khác khi Tam quốc chí được dịch thành nhiều thứ tiếng, ở các nước còn lại trên thế giới, người ta cũng biết nhiều đến ông thông qua truyện tranh và video game. Đối với giới trẻ, ông trở thành vị tướng được ngưỡng mộ nhất trong Tam quốc chí.
Năm 228 sau công nguyên, Trung Hoa bị chia cắt làm ba lãnh thổ: Ngụy, Ngô, Thục. Chiến tranh loạn lạc liên miên, người dân thống khổ lầm than. Chàng trai Triệu Tử Long (Lưu Đức Hoa) quê ở Thường Sơn gia nhập quân đội với mong muốn mang lại hòa bình cho quê hương. Đứng trong hàng ngũ binh lính của nhà Thục, Triệu Tử Long kết anh em với đại ca La Bình An (Hồng Kim Bảo), người đã có kinh nghiệm 5 năm quân ngũ.
Đêm kia, một vị sĩ phu xuất hiện tại doanh trại quân Thục tại Phụng Minh Sơn, không xưng tên tuổi, chỉ mang theo một hòm gỗ to từ trong đó chảy ra thứ nước giống như máu. Khi La Bình Anh mở nắp hòm, đám đông binh lính rùng mình bởi hòm chứa đầy tai người đã bị cắt rời. Lúc ấy, vị sĩ phu kia mới từ tốn đưa ra thẻ bài có ghi tên Gia Cát Lượng (Bộc Tồn Hân). Vị quân sư tài ba báo tin rằng có 10 vạn quân Tào đang trên đường tới tấn công Phụng Minh Sơn, trong khi lượng quân Thục ở đây chỉ vỏn vẹn có một nghìn người.
Nhưng diệu kế của Gia Cát Lượng đã giúp quân Thục đánh đuổi tan tác quân Tào chỉ trong đêm đó. Lập công trong trận chiến, Triệu Tử Long có cơ hội giáp mặt Lưu Bị (Nhạc Hoa) và hai người anh em kết nghĩa là Quan Vũ (Địch Long) và Trương Phi (Trần Chi Huy). Hơn thế, sức mạnh phi thường và tài tham chiến của vị tướng quân trẻ tuổi đã cứu được ấu chúa khỏi sự tàn sát của quân Tào kể cả khi anh đối mặt với kẻ đa mưu túc trí như Tào Tháo (Lưu Tùng Nhân).
Hàng chục năm trôi qua, Ngũ hổ tướng của nhà Thục đã lần lượt qua đời, chỉ còn lại lão tướng Triệu Tử Long và vị đại ca La Bình An vẫn dậm chân ở chức lính quèn. Tuổi cao sức yếu, quân sư Gia Cát Lượng vẫn lên kế hoạch giúp nhà Thục thực hiện trận chiến cuối cùng với mưu đồ thống lĩnh thiên hạ. Vai trò cầm quân được giao cho hai hậu duệ của Quan Vũ và Trương Phi, nhưng lão tướng Triệu Tử Long nhất quyết tham gia bởi với ông, đây sẽ là trận chiến cuối cùng, nơi giúp ông tìm lại những ký ức đẹp đẽ của một thời hào hùng đã qua.
Lần này, kẻ đối đầu với vị tướng lừng danh không phải là những anh hùng hảo hán hay tướng sĩ tài ba, mà là một nữ tướng xinh đẹp nhưng không kém phần gian xảo và đa mưu. Đó là Tào Anh (Maggie Q), cô cháu gái yêu của Tào Tháo, người từng ngồi cùng ông mình chứng kiến Triệu Tử Long quên mình cứu ấu chúa ngày nào. Tào Anh ra trận không chỉ với cây kiếm, tiếng đàn của vị nữ tướng nhà Ngụy còn khiến quân Thục yếu lòng, những trò tâm lý của nàng khiến không ít binh lính nhà Thục hoang mang. Và ngay cả vị lão tướng lừng danh của nhà Thục cũng thấy rằng đấu với Tào Anh chẳng khác đấu với Tào Tháo là mấy...
Từ một bộ tiểu thuyết đồ sộ nổi tiếng của văn học Trung Quốc, câu chuyện về vị tướng Triệu Tử Long được đưa lên màn ảnh rộng và gói gọn chỉ trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Đó là lý do chính của một câu chuyện quá sơ lược về vị danh tướng nhà Thục. Cả về tính cách, tố chất hay quan điểm cùng nội tâm của Triệu Tử Long đều hiện ra mờ nhạt. Chưa có tình tiết nào có thể giúp khán giả nhận ra một vị anh hùng chính trực với sức mạnh khiến ngay cả Quan Vũ hay Trương Phi vị nể. Sự sơ lược đến nỗi thời tuổi trẻ vang danh của Triệu Tử Long cũng chỉ thoảng qua như con gió, còn lúc tóc điểm bạc lại phải bại trận dưới tay một nữ tướng trẻ tuổi nhà Ngụy. Cái kết còn khiến cho tên phim (Rồng tái sinh) trở nên lạc lõng.
Bên cạnh phần nội dung thiếu thuyết phục, diễn xuất của các diễn viên chính trong phim chỉ dừng ở mức trung bình. Với Lưu Đức Hoa, những lời chỉ trích về nhân vật mà anh thể hiện đã loan ra từ khi phim chưa ra rạp. Người ta chê tạo hình của Triệu Tử Long không chính thống. Xem phim, khán giả còn thấy anh không phải là diễn viên hoàn hảo để vào vai một trong Ngũ hổ tướng của nhà Thục ngày nào. Xuất hiện chỉ ở đoạn cuối, nhưng Maggie Q lại là người gây ấn tượng nhất, cả về diễn xuất lẫn nhân vật mà cô thể hiện. Xinh đẹp và cá tính, Tào Anh xuất hiện với vẻ yểu điệu của một người phụ nữ nhưng lại toát ra sự lạnh lùng, mưu mô và giảo hoạt khiến ngay cả các bậc dũng tướng cũng phải e dè. Một bộ phim về Tào Anh có lẽ sẽ thu hút sự quan tâm đông đảo của khán giả hâm mộ.