Sông Cửu Long là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng trong khu dự trữ Sanjiangyuan (Sanjiangyuan National Nature Reserve); nơi xuất phát các thượng nguồn, từ bắc xuống nam là sông Hoàng Hà (Yellow river - Huang He river), sông Dương Tử (Yangtze - Trường Giang), và sông Cửu Long (Mekong).
Sông Cửu Long xuôi dòng khu tự trị Tây tạng (Tibetan Autonomous Region) đến vùng đông nam Vân Nam Trung Quốc, rồi 3 con sông chảy song song ở dãy núi Huỳnh Đoạn, cùng với sông Dương Tử (Yangtze) hướng về phía đông rồi cùng với sông Nộ Giang (Nujiang river) về phía tây. Sông chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.
Tính theo độ dài sông Cửu Long đứng thứ 12 (thứ 7 tại Châu Á), còn tính theo lưu lượng nước đứng thứ 10 trên thế giới (lưu lượng hàng năm đạt khoảng 475 triệu m³). Lưu lượng trung bình 13.200 m³/s, vào mùa nước lũ có thể lên tới 30.000 m³/s. Lưu vực của nó rộng khoảng 795.000 km² (theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông) hoặc hơn 810.000 km² (theo số liệu của Encyclopaedia Britannica 2004).
Giao thông bằng đường thủy trên sông Mê Kông gặp nhiều khó khăn do dòng chảy bị thay đổi nhiều theo mùa, các đoạn chảy xiết và các thác nước cao. So với tiềm năng to lớn nếu được khai thác đúng mức, hiện nay, chỉ một phần nhỏ của sông được dùng trong việc dẫn thủy nhập điền và tạo năng lực thủy điện. Tuy nhiên lưu lượng và nhịp độ nước lũ ban phát nhiều lợi ích: biên độ dao động cao (sai biệt khoảng 30 lần giữa mùa hạn và mùa nước lũ) rất thuận lợi cho lối canh tác ruộng lúa ngập nước cho nhiều vùng rộng lớn.
Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mê Kông là vai trò điều lượng dòng nước bởi hồ Tonlé Sap - hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á - người Việt thường gọi là "Biển Hồ".
Tên tiếng Anh "Mekong" xuất phát từ dạng viết gọn của tiếng Lào và Thái "Mae Nam Khong". Trong tiếng Lào và Thái, mae nam ("dòng sông mẹ") được dùng cho bất kỳ dòng sông lớn nào, còn Khong là danh từ riêng. Như thế, trong tiếng Thái và Lào chuyển qua tiếng Anh là "River Khong". Từ Khong tự thân nó đã có nghĩa là "river" hoặc "the river". Trong tiếng Khmer, Mékôngk ý chỉ dòng sông mẹ "mother of water", từ chữ mé nghĩa là mẹ và dùng chữ kông hay kôngkea nghĩa là nước. Ở Trung quốc gọi là sông Lan Thương, Khmer: Mékôngk [meekoŋ], Tônlé Mékôngk, Tônlé Thum ("Dòng sông lớn"). Việt Nam: sông Mê Kông ; Sông Cửu Long (Nine Dragons River).
Về tên gọi Tiền Giang, Hậu Giang hay Sông Tiền, Sông Hậu là do lưu dân khẩn hoang định danh. Vì họ là dân vùng ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức [Thừa Thiên Huế], Quảng Nam và Quảng Ngãi).vào đất mới. Đi xuống phương Nam (khoảng nửa cuối thế kỷ 17), gặp con sông lớn đầu tiên gọi là Tiền Giang, sau đó gặp con sông lớn thứ hai gọi là Hậu Giang (Wikipedia).