Một tác phẩm điện ảnh làm lay động trái tim người xem, một trong những bộ phim xuất sắc nhất của Trung Quốc trong năm 2010, một bài học về giá trị sống, về tình cảm gia đình thiêng liêng sau thảm họa kinh hoàng.
Một buổi chiều hè oi ả năm 1976 ở thành phố Đường Sơn của tỉnh Hà Bắc- Trung Quốc, hàng đàn chuồn chuồn xuất hiện bất ngờ gây ngạc nhiên cho những người dân nơi đây. Cuộc sống yên bình của thành phố Đường Sơn dường như được báo hiệu một thảm kịch sắp xảy ra.
Trong một gia đình bình thường, hai chị em sinh đôi Phương Đăng và Phương Đạt sống hạnh phúc bên bố mẹ. Nhưng cuộc sống yên bình của họ bị phá vỡ khi động đất kinh hoàng bất ngờ ập đến, bầu trời chuyển thành màu tím, tất cả bắt đầu đổ vỡ, những tòa nhà sập xuống, đất nứt ra chôn vùi hàng nghìn người. Chỉ trong 23 giây, cơn động đất mạnh 7,8 độ richter ấy đã lấy đi sinh mạng của 240.000 người, hàng nghìn người đang bị mắc kẹt.
Chứng kiến người chồng chết ngay trước mặt, 2 đứa con sinh đôi đang bị mắc giữa đống đổ nát, Nguyên Ni phải chọn 1 trong 2 đứa để cứu, cô buộc lòng chọn cậu con trai Phương Đạt mà không hề biết rằng cô bé Phương Đăng đã nghe thấy quyết định của mẹ. Tưởng rằng con gái đã chết, hai mẹ con Nguyên Ni cùng con trai Phương Đạt tiếp tục dựa vào nhau mà sống, trong lòng không thể nào nguôi ngoai về cái chết của hai bố con. Trong khi đó, cô bé Phương Đăng tỉnh dậy sau khi được lôi ra từ đống bê tông, cô bé được một gia đình tốt bụng nhận làm con nuôi. Mang theo nỗi đau bị từ bỏ khi còn nhỏ, Phương Đăng lớn lên mà không đi tìm lại mẹ và em trai, bởi cô nghĩ “Nếu không cần thì đi tìm làm gì”.
Cho đến khi vào năm 2008, một trận động đất lớn làm rung chuyển Tứ Xuyên, cùng đến cứu hộ những người gặp nạn, chị em Phương Đăng - Phương Đạt mới gặp lại nhau sau hơn 30 năm, và từ đây Phương Đăng mới nhận ra được sự đau khổ của mẹ - người mà cô nghĩ rằng đã bỏ rơi cô xưa kia.
Đường Sơn đại địa chấn (Aftershock) là một bộ phim về thảm họa nhưng điều quan trọng nhất là bộ phim không thực hiện như các tác phẩm thảm họa hoành tráng của Hollywood.
Đúng với cái tên Aftershock - bộ phim nói về những di chấn còn lại, những vết sẹo cảm xúc đọng lại sau trận động đất kinh hoàng đã ảnh hưởng đến những nạn nhân của nó. Đạo diễn Phùng Tiểu Cương không chú trọng việc đưa ra những kỹ xảo hoành tráng, hiệu ứng đặc biệt miêu tả cơn động đất mà ông đặt những ống kính vào cảm xúc của con người, những cơn sóng tâm lý vẫn trỗi dậy sau thảm họa và kéo dài cho đến về sau.
Mô tuýp gia đình bị chia cắt bởi thảm kịch không còn quá xa lạ nhưng Đường Sơn đại địa chấn không có những câu chuyện cổ tích, không có những chi tiết xa rời thực tế mà nó dẫn dắt khán giả đi cùng cảm xúc của nhân vật trong phim, đau cùng với nỗi đau của họ.
Bối cảnh cuộc sống của các nhân vật diễn ra trong vòng 3 thập kỷ, sau thảm kịch dài 23 giây, Nguyên Ni sống trong dằn vặt, người phụ nữ đang có cuộc sống hạnh phúc bất ngờ bị cướp đi người chồng và con gái. Cô không muốn tái hôn và quyết ở lại Đường Sơn, không chấp nhận sống thanh thản, vui vẻ mà luôn hướng về chồng con đã khuất.
Người đàn bà ấy đã nếm quá nhiều nỗi đau, tưởng như không còn điều gì khiến cô có thể gục ngã được nữa. Trong khi đó, cô con gái Phương Đăng cũng chịu chấn thương tâm lý từ bé, khi lớn lên quá khứ đau thương khiến Phương Đăng sống mạnh mẽ nhưng bên trong vẫn là sự đau khổ tột cùng, khiến không khi nào cô cảm thấy hạnh phúc thực sự. Cả hai người phụ nữ, sau 32 năm gặp lại, cô con gái mới hiểu hết được tấm lòng người mẹ.
Mối quan hệ gia đình vốn là đề tài quen thuộc trong màn ảnh Hoa ngữ và Đường Sơn đại địa chấn là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Trung Quốc trong năm 2010. Bộ phim mang đến cho khán giả những cảm xúc, tình cảm mãnh liệt về tình cảm gia đình, tình mẹ, tình cha cho dù đó là ruột thịt hay không.
Dẫn dắt thành công cảm xúc đến khán giả không thể nhắc đến diễn xuất của nữ diễn viên Trương Tịnh Sơ trong vai người con gái Phương Đăng. Nữ diễn viên tài năng họ Trương đã thể hiện thành công một Phương Đăng bị ám ảnh bởi quá khứ: hận thù, đau khổ, tủi hờn và tất cả vỡ òa khi gặp lại mẹ cô.
Khá nhiều nhà phê bình đã cho rằng, thành công của Đường Sơn đại địa chấn nhờ phần lớn vào diễn xuất của Trương Tịnh Sơ. Ngoài ra, không thể không nhắc đến diễn xuất của nữ diễn viên Từ Phàm hóa thân vào người mẹ luôn sống trong day dứt khôn nguôi. Từ Phàm đã mang đến hình ảnh người vợ, người mẹ suốt 32 năm luôn chỉ dẫn đường về nhà cho vong hồn chồng con bằng thứ tình cảm mạnh mẽ.
Đạo diễn Phùng Tiểu Cương dành tặng bộ phim này để tưởng nhớ 240.000 nạn nhân đã hy sinh trong vụ động đất kinh hoàng cách đây 3 thế kỷ như một lời nhắc nhở cho những người đang sống, những thế hệ sau này một bài học về giá trị sống, về sự mất mát và hy sinh.
Thảm họa thiên nhiên luôn là nỗi kinh hoàng cho con người, đằng sau đó là những đau thương khôn nguôi khiến người ta không thể nào quên, đọng lại trong khán giả sau khi xem Đường Sơn đại địa chấn là những cảm xúc bi thương, day dứt,.. Bộ phim đã được mang đi tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của Oscar lần thứ 83 sẽ diễn ra vào năm sau tại Mỹ. Đây cũng là bộ phim Trung Quốc sản xuất trong nước đầu tiên được chiếu tại các rạp IMAX.